Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh: Bền chặt tình yêu với… quất

Tìm hướng đi riêng
Tiếp chúng tôi giữa vườn quất mơn mởn đang đâm chồi nảy lộc, sương lấp lánh trên những trái quất vàng, cả không gian bừng sáng sắc xuân, ông Bùi Thế Mạnh bồi hồi nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.
Sinh năm 1968 trong một gia đình thuần nông có truyền thống trồng quất cảnh ở Tứ Liên. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 1989, ông Mạnh trở về quê hương. Nối nghiệp nhà nông, ông bắt tay ngay vào trồng quất cảnh.
Thời điểm đó, vốn không có nhiều nên ông đã nghĩ cách mày mò tự chiết cành quất. Cứ vào đầu năm mới, không quản đường xá xa xôi, ông đạp xe sang huyện Văn Giang (Hưng Yên) để mua cây mới dâm cành về trồng, chăm sóc, tạo dáng để đến những ngày cuối năm, ông lại đạp xe chở quất ra chợ hoa Hàng Lược, đường Hoàng Hoa Thám và rong ruổi khắp các ngõ ngách của Hà Nội để bán. Thậm chí ông còn làm thêm nhiều việc khác như: Phụ hồ, phụ mộc, chở đất thuê cho những nhà vườn trồng quất trong vùng, nhằm tìm hướng làm độc, lạ cho quất.
Từ thực tế cuộc sống, ông Mạnh hiểu rằng, muốn vực dậy vườn quất gia đình, vươn lên làm giàu thì phải nâng cao trình độ học vấn. Do đó, vừa học, vừa làm, đến năm 2006, ông đã tốt nghiệp Trường Đại học Thương Mại hệ tại chức. Thời điểm này, ông Mạnh bắt tay vào tìm hướng đi riêng để phát triển thương hiệu quất Thế Mạnh.
Những tác phẩm sống
Trăn trở với nhiều ý tưởng, ông Mạnh tìm hiểu thị trường và thấy rằng, nếu trước đây trong nhà ngày tết có chậu quất to, cành đào thế là “sành điệu”, thì nay nhiều người chơi lại chuộng những chậu bonsai có vẻ đẹp tinh tế, tính thẩm mỹ cao.“Trồng quất trong bình lâu và khó, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn trồng đất bãi. Thông thường, một gốc quất từ vườn đưa lên chậu phải mất đến 3 – 4 năm, thậm chí có cây phải mất 10 năm mới thành dáng mình mong muốn. Vì thế, làm quất bonsai, ngoài để có thu nhập cao hơn, còn là cách để rèn tính kiên trì của người trồng cây”- ông chia sẻ.
Sau hơn một năm mày mò, nghiên cứu, kết thúc vụ quất năm 2004, ông Mạnh bắt đầu thực hiện ý tưởng trồng quất bonsai trên bình. Do kinh nghiệm chưa nhiều nên năm đầu, vườn quất bonsai chết hơn một nửa. Khi đó, ông mất ăn, mất ngủ, lụi cụi ngoài vườn từ sáng sớm đến tối muộn, chăm quất như chăm trẻ nhỏ. Dồn hết tâm trí vào quất nên ông Mạnh hiểu rõ đặc tính của cây ở từng thời điểm cụ thể. Mùa mưa thì không được để ngập nước, mùa hanh thì không được để khô gốc, mùa đông thường có mưa và sương nên phải làm giàn che. Nếu trời lạnh khiến quả không chín thì phải thắp bóng đèn để đảm bảo cây đẹp đúng dịp tết. “Quất thân mềm nhưng quả sai và nặng nên trồng trong chậu dễ bị gãy cành. Người trồng phải khéo léo thả dáng sao cho cây đẹp tự nhiên, không bị gò ép. Chỉ dùng thanh thép nhỏ để uốn cây nhẹ nhàng mới không ảnh hưởng đến sự phát triển của cây” – ông Mạnh chia sẻ.
Nhờ kiên trì mà tỷ lệ thành công của vườn quất bonsai Thế Mạnh cứ thế tăng dần, từ 20% lên 40 % rồi 50%… Lợi nhuận thu được cũng tăng thêm đáng kể. Trên cùng một diện tích trồng quất, nếu những năm trước đây trừ chi phí chỉ thu được 50 – 70 triệu đồng/năm, thì gần đây, gia đình ông Mạnh thu được khoảng 900 triệu đồng/năm. Đặc biệt, những thế quất đẹp của nghệ nhân Bùi Thế Mạnh như: Ngũ phúc, Tam đa, Tứ quý, Kim long, Cá Chép hóa Rồng, Lưỡng Long chầu nguyệt, cùng nhiều lọ quất treo tường độc đáo… đã tạo được sức hút lớn đối với những khách hàng sành chơi quất cảnh, với giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. “2019 là năm Kỷ Hợi, tôi nghĩ ra cách trồng quất trong những chú lợn đất nung được đặt mua từ làng gốm Bát Tràng. Mỗi chú “heo vàng cõng quất” có giá từ 2 – 9 triệu đồng tùy kiểu dáng” – ông Mạnh cho biết.
Tiếng lành đồn xa, những sản phẩm quất bonsai do nghệ nhân Bùi Thế Mạnh dày công sáng tạo ngày càng được nhiều người biết đến và có uy tín trên thị trường Hà Nội và nhiều địa phương. Vườn quất Thế Mạnh còn là điểm du lịch tham quan trong tour khám phá làng nghề Hà Nội của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước, bình quân mỗi tháng ông đón tiếp từ 40 – 60 đoàn khách quốc tế.
Thành công của ngày hôm nay vẫn chưa khiến nghệ nhân Thế Mạnh hài lòng. Bởi ông tâm niệm: “Để bảo tồn và giữ vững truyền thống làm quất cảnh nói chung và của phường Tứ Liên nói riêng, bản thân còn phải tích cực trau dồi kiến thức, nghiên cứu áp dụng phương pháp mới phát triển cây quất bonsai ngày càng đẹp hơn, góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
(VTC14)_Hà Nội Quất bonsai hình gà hút khách
Nghệ nhân Bùi Thế Mạnh đã được Trung ương Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng Cúp “Bàn tay vàng”. Vườn quất cảnh Thế Mạnh đạt Thương hiệu tin dùng Thủ đô và “Nhãn hiệu ưa dùng” do Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận. |
Nguồn: Kiều Linh – Báo Công Thương