Những đợt phát hành tiền của nhà nước sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Những đợt phát hành tiền của nhà nước sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
Sau khi Hội nghị hiệp thương thống nhất hai miền, ngày 25.4.1978, chính phủ nước CHXHCNVN quyết định thống nhất tiền tệ trên toàn quốc, cả nước thực hiện hệ thống ngân hàng một cấp là NHNNVN. Ngày 3.5.1978 chính thức phát hành tiền mới gồm các loại giấy 5 hào, 1đ, 5 đ, 10 đ, 20 đ và 50 đ mặt trước có quốc huy và hàng chữ NHNNVN, mặt sau in hình các cơ sở kinh tế hai miền và năm in là 1976. Tờ 20 đ toàn màu xanh nước biển mặt trước có chân dung Bác nhìn nghiêng có giá trị lớn nên dân gian gọi là “cua xanh”; tờ 50đ có hình Bác nhìn thẳng, toàn màu hồng giá trị lớn nhất nên dân gian gọi là “cua đỏ”!
Sưu tầm
Riêng tiền đúc bằng nhôm, mặt trước cũng luôn có hình quốc huy, còn mặt sau có ghi NHNNVN, giá trị đồng tiền gồm 1 hào, 2 hào, 5 hào và 1 đồng cùng năm đúc là 1976. Hệ thống tiền mới này có giá trị tương đương hệ thống cũ, nghĩa là: 1 đồng tiền miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền miền Nam đổi lấy 1 đồng tiền mới!. Như vậy từ đây, trên toàn lãnh thổ Việt Nam chỉ có một hệ thống tiền duy nhất lưu hành… Dần đến năm 1980, ngân hàng lại phát hành thêm loại tiền giấy mới mặt trước có quốc huy và quốc hiệu CHXHCNVN, mặt sau ghi hàng chữ NHNNVN năm in 1980 và phong cảnh hai miền: tờ 2đ màu tím than in hình cầu Phú Xuân trên sông Hương – Huế, tờ 10 đ màu lục in hình nhà sàn Phủ Chủ tịch; tờ 100 đ rất sặc sỡ mặt trước có thêm chân dung Bác và cả hình chìm chân dung Bác, còn mặt sau là cảnh vịnh Hạ Long, là tờ giấy tiền có giá trị lớn nhất thời ấy, dân gian hay gọi là “tờ Vịnh Hạ Long”. Đặc biệt năm 1981 cho phát hành tờ 30 đ màu hồng tím cũng có chân dung Bác và hình ảnh cảng Nhà Rồng (Saigon) làm mọi người thắc mắc: – Nếu chỉ dùng loại tiền 30 đ thì làm sao làm tròn số tiền theo cơ số thập phân (100, 1000…) ?.
Sau đó, khối lượng tiền cung ứng và tổng phương tiện thanh toán tăng lên nhanh chóng, đến năm 1985 tăng gấp 35 lần so với năm 1980, trong đó khối lượng tiền lưu hành tăng gấp 20 lần làm lạm phát trầm trọng, vật giá leo thang… Để thi hành Nghị quyết về Giá – Lương – Tiền nhằm mục đích điều chỉnh và ổn định sức mua của đồng tiền, từ ngày 14.9.1985, Nhà nước lại tiến hành đổi tiền: 1 đồng tiền mới bằng 10 đồng tiền cũ. Đợt đầu từ tháng 9.1985 đến 1986 phát hành các loại tiền giấy 5 hào, 1 đ, 2đ, 5đ, 10đ, 20đ, 30đ, 50đ, 100đ và 500 đ. Mặt trước luôn có quốc huy và quốc hiệu, mặt sau có hàng chữ NHNNVN và năm in 1985 cùng các hình ảnh của đất nước. Tờ 5 hào màu đỏ tía, mặt trước có cột cờ Thăng Long. Tờ 1 đ màu xanh nước biển cùng có cột cờ Thăng Long và mặt sau in hình cảnh biển Hà Tiên. Tờ 2 đ màu tím in hình đoàn tàu đánh cá. Tờ 5 đ màu lục in hình đò dọc cầu Trường Tiền trên sông Hương. Tờ 10 đ màu nâu tím in hình cầu Thê Húc – đền Ngọc Sơn ở hồ Hoàn Kiếm. Tờ 20đ màu nâu in hình chùa Một Cột. Tờ 30đ màu xanh dương in cổng chợ Bến Thành. Tờ 50đ màu xanh rêu, có 2 loại… Tờ 100đ và 500đ thì có hình chìm chân dung Bác…
Hệ thống tiền đúc 1 hào, 2 hào, 5 hào và 1 đồng năm 1976 vẫn cho lưu hành… Vì tỉ lệ đồng mới bằng 10 đồng cũ nên tờ tiền mới lúc đó có giá trị rất cao: 1 ly café theo giá cũ chỉ 8đ tức 8 hào tiền mới, nhưng khách trả tiền đưa tờ 50 đ tiền mới, nhà hàng không đủ tiền thối, đi đổi 50 đ chỉ được 48 đồng tiền lẻ và tính 1 ly café phải trả thành 1đ thay vì nếu có tiền lẻ thì chỉ phải trả 8 hào ! Do vậy, đợt đổi tiền mới này vẫn làm người ta thắc mắc: – Vì sao vẫn còn thiết kế loại tiền 30đ ? – Tiền cũ lớn nhất chỉ là ”tờ Vịnh Hạ Long” 100đ, tương đương 10đ tiền mới, thế mà đợt phát hành tiền mới này lại có đến 500 đ (tức bằng 5000 đ tiền cũ), đây có phải là dấu hiệu ban đầu của sự lạm phát ??? Và có một điều lấy làm lạ nữa là ngay sau khi đổi tiền chưa được bao lâu thì chính phủ quyết định nâng giá lên trở lại 10 lần!.
Cuộc cải cách Giá – Lương – Tiền xét trên tổng thể đã tiến hành thiếu đồng bộ, chỉ một năm sau, tức năm 1986, lạm phát đến mức chóng mặt: 800%! Báo cáo Chính trị của BCHTW Đảng tại Đại hội VI chỉ rõ: “- Việc giải quyết vấn đề Giá – Lương – Tiền đã phạm sai lầm”. Với sự gợi ý của ông Lữ Minh Châu (Thống đốc Ngân hàng), một người hoạt động về lĩnh vực ngân hàng nhiều kinh nghiệm từ trước 1975, để khắc phục tình hình này, báo cáo chính trị đã có phương hướng: ”- Bên cạnh nhiệm quản lý lưu thông tiền tệ của NHNN, cần xây dựng hệ thống ngân hàng chuyên nghiệp kinh doanh tín dụng và dịch vụ ngân hàng hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế”. Để thực hiện Nghị quyết VI, ngày 13.7.1987, Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) ban hành Chỉ thị 218.CT cho phép ngân hàng chuyển sang hệ thống ngân hàng hai cấp thí điểm ở 4 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. Sau khi thử nghiệm có kết quả, ngày 26.3.1988, Nghị định 53.HĐBT có nội dung cơ bản là xóa bỏ hệ thống ngân hàng một cấp, xây dựng mô hình ngân hàng hai cấp theo nền kinh tế thị trường. Ngân hàng Nhà nước lúc này là ngân hàng của các ngân hàng, là cơ quan phát hành tiền của nhà nước, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về điều hòa lưu thông tiền tệ, giám sát và thanh tra hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chuyên doanh (như: Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp…). từ cuộc cải cách đó, năm 1988 nạn lạm phát 500% đến 1989 kéo xuống còn 34%. Trong những năm 1987 – 1988, ngân hàng phát hành thêm các loại tiền mới luôn có chân dung Bác: tờ 200đ màu da cam in hình xe cày mà hiện nay đang còn lưu hành; tờ 500đ màu hồng in hình chiếc đò hiện nay cũng đang còn sử dụng. Tờ 1000đ màu xanh rêu mang hình những chiếc xe cơ khí khai thác mỏ, tờ 2000đ màu xanh đậm in hình nhà máy công nghiệp và tờ 5000đ cũng màu xanh đậm in hình các hệ thống máy khai thác dầu khí trên biển; cả 3 tờ đều có hình chìm chân dung Bác, hiện dần bị thu hồi nay hầu như đã vắng bóng…
Sau đó, ngân hàng lại cho phát hành thêm các loại tiến giấy 100đ
màu xanh lục và đã in cảnh tháp chùa ở Bắc Ninh mà hiện nay vẫn còn được sử dụng như đơn vị nhỏ nhất. Tờ 1000đ màu xanh in năm 1988 mang hình con voi kéo gỗ, tờ 2000đ màu tím in năm 1988 mang hình các nữ công nhân trong nhà máy dệt, tờ 5000đ màu xanh nước biển in năm 1991 mang hình đập thủy điện và các cột đường dây cao thế, cùng các tờ 10.000đ màu đỏ, 20.000đ màu xanh dương và 50.000đ màu xanh lục (cả 3 tờ này đều có hình chìm chân dung Bác)… lưu hành như chúng ta đang sử dụng hiện nay…
Lịch sử những lần đổi tiền của Việt Nam kể từ Cách Mạng Tháng Tám
June 3, 2007
Kể từ ngày 1/12/1945, khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phát hành đồng tiền đầu tiên kể từ sau Cách Mạng Tháng Tám, lúc đó là đồng tiền nhôm loại 2 hào, cho đến nay chúng ta đã có rất nhiều các loại tiền xu, tiền giấy, tiền polime khác nhau. Đi cùng lịch sử phát hành tiền là những lần chúng ta thực hiện đổi tiền, có thể tổng kết những lần đổi tiền từ sau Cách Mạng Tháng Tám cho đến nay như sau:
Lần thứ nhất: Ngày 15 tháng 5 năm 1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng. Giấy bạc Tài chính thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng từng mẫu tiền. Đồng thời nhà nước thực hiện thu đổi đồng bạc Đông Dương, tỷ lệ 1 đồng Việt Nam lấy 1 đồng bạc Đông Dương
Lần thứ hai: Ngày 6/ 5/ 1951 tại sắc lệnh số 15/ SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký chuẩn y việc thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt nam (NHQG VN) (để thay thế “Nha ngân khố quốc gia” và “Nha tín dụng sản xuất” trực thuộc Bộ Tài Chính đã thành lập trước đó trên cơ sở “Việt nam quốc gia Ngân hàng” thuộc Bộ Tài chính được thiết lập theo sắc lệnh số 86/SL ngày 17/9/1947 của Chủ tịch Chính phủ dân chủ cộng hoà Việt nam). Ngay khi ra đời, theo sắc lệnh số 19/SL và 20/SL ngày 12/5/1951 NHQG đã chính thức phát hành đồng tiền giấy mang tên: “NHQG Việt Nam” thay đồng tiền Tài chính. Đổi 10 đồng tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền NHQG – Một cuộc đổi tiền diễn ra tới 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi tiền của NHVN.
Lần thứ ba: Vì tiền NHQG đầu tiên được in ra năm 1951 là để đổi đồng Tài chính trước đó nên hầu hết những người có tiền đổi là thuộc khu vực công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên đến tháng 2 năm 1959 Chính Phủ quyết định phân phối lại thu nhập và đã đổi tiền lần thứ 2 với tỷ lệ 01 đồng NHQG mới ăn 1000 đồng NHQG cũ. Với giá trị mới này, vào thời điểm từ tháng 2/1959 đến tháng 10/1960 một đồng NGQGVN bằng 1,36 Rúp Liên Xô và cũng tương đương 1,2 USD. Cuộc đổi tiền năm 1959 được đánh giá là “ngoạn mục” nhất trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Đến tháng 10/ 1961 đồng tiền NHQG VN ở miền Bắc được đổi tên thành đồng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt nam (NHNN VN) với cùng một mệnh giá để tránh trùng tên với đồng tiền NHQG ở miền Nam của chính phủ nguỵ quyền Sài Gòn.
Lần thứ tư: Trong 3 năm đầu sau ngày miền Nam giải phóng, để có một thời gian đệm cần thiết và quan trọng, hai miền vẫn dùng hai đồng tiền khác nhau: Miền Bắc vẫn là tiền NHNN Việt Nam, miền Nam tiếp tục dùng tiền của chính quyền cũ. Ngày 3/5/1975 chính quyền cách mạng tiếp quản NHQG của Nguỵ quyền Sài Gòn và vẫn sử dụng đồng tiền của chế độ cũ trong lưu thông để không gây rối loạn trong lưu thông tiền tệ ở miền nam những ngày đầu giải phóng. Ngày 6/6/1975 – 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT – 75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam do Ông Trần Dương làm Thống đốc. Đến ngày 22/ 9/1975, dưới sự lãnh đạo của Bộ chính trị và Trung Ương đảng lao động Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng Hoà miền nam Việt Nam đã tổ chức cuộc đổi tiền trên qui mô toàn miền nam để đưa đồng tiền mới lấy tên là “Tiền Ngân hàng Việt Nam” (còn gọi là tiền giải phóng) vào lưu thông với tỷ lệ 1 đồng NHVN ăn 500đ tiền của chế độ cũ và tương đương với 1 USD
Lần thứ năm: Ngày 2/5/ 1978 – Đúng dịp kỷ niệm 3 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam công bố đổi tiền lần thứ 3 trên phạm vi toàn quốc, thống nhất tiền tệ cả nước với tỷ lệ 1đồng tiền NHNN cũ ở miền Bắc hoặc 0,8 đồng tiền Giải phóng ở miền Nam ăn 1đồng NHNN mới.
Lần thứ sáu: Trước tình hình diễn biến phức tạp của lưu thông hàng – tiền và nạn khan hiếm tiền mặt nghiêm trọng trong thanh toán, ngày 14/9/1985 Nhà nước lại phải công bố đổi tiền theo tỷ lệ 10 đồng tiền NHNN cũ ăn 1 đồng tiền NHNN mới phục vụ cuộc cách mạng về giá và lương. Nhà nước đã cho phát hành thêm vào lưu thông một khối lượng lớn tiền tương đương với 1,38 lần khối lượng tiền mới đã phát hành trong đợt đổi tiền trước đó để phục vụ công cuộc cải cách lương và giá.
Mỗi lần đổi tiền đều phục vụ cho những mục đích khác nhau ở những thời điểm đó. Và đấy cũng là một lý do để chúng ta làm bộ sưu tập tiền của mình thêm phong phú.
Đồng tiền Việt Nam năm 1949
May 18, 2007
Đồng tiền năm 1949 cũng nhiều nét giống đồng tiền năm 1946, được in trên giấy xấu, mầu sắc đơn giản, không tươi, sắc nét. Ngoài ra còn có loại tiền cùng mệnh giá nhưng hình vẽ, mầu sắc khác nhau, họa sỹ thiết kế thời kỳ này là Lê Phả và Nguyễn Sáng
Họa sỹ Nguyễn Sáng
Tiền giấy 2 hào
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Nông Binh.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Binh sĩ và nông dân.
Khuôn khổ: 75mm x 40mm.
Màu sắc: Mặt trước và mặt sau có màu gần giống nhau.
Loại 1: Xanh lá cây ở cả hai mặt .
Loại 2: Nâu đỏ ở cả hai mặt.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
Tiền giấy 50 xu
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Nông dân.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Hai vợ chồng nông dân.
Khuôn khổ: 85mm x 43mm.
Màu sắc:
Loại 1: Xanh dương nhạt, số seri cùng màu xanh.
Loại 2: Xanh dương đậm, số seri màu đỏ.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
Tiền giấy 5 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Mùa gặt.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thẳng.
Mặt sau: Bé trai và cô gái đang ôm bó lúa.
Khuôn khổ: 120mm x 54mm, 119mm x 54mm, 117mm x 54mm.
Màu sắc: Đỏ nâu hoặc nâu nhạt; Đỏ hồng….
Hoạ sĩ: Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 10 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Bảo vệ quê hương.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và một binh sĩ đứng cạnh công nhân.
Mặt sau: Số 10 trong khuông hình hoa văn.
Khuôn khổ: 131mm x 71mm, 127mm x 68mm.
Màu sắc:
Loại 1: Mặt trước và sau đều có màu xanh.
Loại 2:
Mặt trước: Xanh lam hoặc xanh đậm.
Mặt sau: Nâu hoặc đỏ hồng.
Hoạ sĩ: Nguyễn Đỗ Cung.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 20 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Sĩ nông công thương.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Nông dân dắt trâu, công nhân đập búa, học trò và người gánh quang thúng.
Khuôn khổ: 159mm x 76mm.
Màu sắc: Nâu và vàng úa.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(In bằng máy in ốp sét).
Tiền giấy 50 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Công nông.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn thẳng.
Mặt sau: Nông dân ôm lúa cạnh gia đình, một công nhân.
Khuôn khổ: 136mm x 68mm, 132mm x 65mm,….
Màu sắc:
Mặt trước: Xanh đậm.
Mặt sau: Xanh đen và nâu.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
Tiền giấy 100 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Tích cực chuẩn bị tổng phản công.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Binh sĩ và nông dân.
Khuôn khổ: 150mm x 61mm.
Màu sắc:
Loại 1: Xanh đen mặt trước, nâu đỏ mặt sau.
Loại 2: Xanh đậm ở cả 2 mặt.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 100 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Một trăm đồng đỏ.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình nông dân và công nhân.
Mặt sau: Vệ quốc quân, nông dân, hai người phụ nữ.
Khuôn khổ: 157mm x 74mm.
Màu sắc:
Loại 1: Đỏ và nâu ở cả 2 mặt.
Loại 2: Đỏ và nâu ở cả mặt trước, mặt sau xanh đậm.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 200 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Bảo vệ mùa màng.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội quân du kích đang tập bắn súng.
Mặt sau: Nông dân đang gặt lúa.
Khuôn khổ: 156mm x 63mm, 158mm x 63mm.
Màu sắc: Xanh lam và nâu.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 500 đồng
Năm phát hành: 1949.
Tên gọi: Chiến thắng sông Lô.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai nam nữ thanh niên đang giơ cao ngọn đuốc.
Mặt sau: Bộ đội chủ lực đánh tàu chiến Pháp trên sông Lô.
Khuôn khổ: 173mm x 79mm.
Màu sắc:
Loại 1: Xanh đen và nâu đỏ ở cả 2 mặt.
Loại 2: Xanh đen và nâu đỏ ở mặt trước, mặt sau xanh nhạt.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Đồng tiền Việt Nam năm 1946
May 17, 2007
Trong giai đoạn 1945-1951, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa có hệ thống ngân hàng. Tiền Việt Nam do Bộ Tài chính phát hành nên thường được gọi là Tiền tài chính hay Giấy bạc tài chính.
Ngày 31 tháng 1 năm 1946, Chính phủ ra sắc lệnh số 18/SL phát hành giấy bạc Việt Nam từ Nam Trung Bộ trở vào.
Ngày 13 tháng 8 năm 1946, Chính phủ ra sắc lệnh 154/SL cho phép phát hành đồng giấy bạc Việt Nam từ Vĩ tuyến 16 trở ra.
Ngày 23 tháng 11 năm 1946, Giấy bạc Việt Nam (tiền Tài chính) phát hành trong cả nước.
Ngày 15 tháng 5 năm 1947, Chính phủ ra sắc lệnh 48/ SL cho phép lưu hành trong cả nước giấy bạc 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng, 20 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng.
Giấy bạc Tài chính thời kì này được in LITÔ hay TIPÔ, ốp sét trên giấy in xấu nên có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng từng mẫu tiền.
Đường nét và hình vẽ trên mỗi mẫu giấy bạc đơn sơ, giản dị nhưng vẫn phản ánh được khí thế quyết tâm của quân và dân ta trong sản xuất và chiến đấu.
Hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh được đưa vào tất cả các mẫu tiền nên cũng được nhân dân gọi là Giấy bạc Cụ Hồ. Tuy ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và thiếu thốn nhưng các mẫu tiền này cũng có đầy đủ chữ kí của những người có trách nhiệm và được phát hành, phục vụ kịp thời cho công cuộc kháng chiến kiến quốc lúc đó.
Lời răn đe được nhấn mạnh hoàn toàn bằng tiếng Việt: “Theo sắc lệnh của Chính phủ Việt Nam kẻ nào làm giả hoặc có hành động phá hoại tờ giấy bạc của Chính phủ sẽ bị trừng trị theo Quân pháp”.
Công việc vẽ mẫu giấy bạc, in ấn và phát hành do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng trực tiếp phụ trách. Các hoạ sĩ vẽ mẫu tiền gồm 20 người được chia thành 4 nhóm với những hoạ sĩ tiêu biểu: Bùi Trang Chước, Nguyễn Đỗ Cung, Mai Văn Hiến, Nguyễn Huyến, Nguyễn Văn Khanh.
Chữ kí trên những mẫu giấy bạc:
+ Bộ trưởng Bộ Tài chính: lúc đầu là Phạm Văn Đồng, sau là Lê Văn Hiến
+ Giám đốc Ngân khố Trung ương: Nguyễn Văn Khoát.
Tiền giấy 1 đồng
Năm phát hành: 1946.
Tên gọi: Nông dân.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Nông dân gặt lúa.
Khuôn khổ: 104mm x 52mm.
Màu sắc: Xanh đậm ở cả hai mặt.
Hoạ sĩ: Nguyễn Đỗ Cung.
In tại: xã Khánh Thi, huyện Chiêm Hoá (Việt Bắc).
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 5 đồng
Năm phát hành: 1946.
Tên gọi: Công nhân.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Công nhân quai búa đập đe và hình ảnh nhà máy.
Khuôn khổ: 125mm x 80mm.
Màu sắc: Xanh vàng và nâu.
Hoạ sĩ: Mai Văn Hiến.
In tại: xã Khánh Thi, huyện Chiêm Hoá (Việt Bắc).
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 20 đồng (loại 1)
Năm phát hành: 1946.
Tên gọi: Sĩ nông công thương.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Nông dân dắt trâu, công nhân đập búa, học trò và người gánh quang thúng.
Khuôn khổ: 140mm x 67mm.
Màu sắc: Nâu và vàng úa.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(In bằng máy in ốp sét).
Tiền giấy 20 đồng (loại 2)
Giống loại 1 nhưng kích cỡ lớn hơn
Khuôn khổ: 159mm x 76mm.
Tiền giấy 50 đồng
Năm phát hành: 1946.
Tên gọi: Sĩ nông công thương.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mặt sau: Nông dân dắt trâu, công nhân, học trò, người gánh quang thúng.
Khuôn khổ: 156mm x 78mm hoặc 154mm x 78mm, 157mm x 79mm..
Màu sắc: Nâu đỏ và xanh đậm.
Hoạ sĩ: Lê Phả và Nguyễn Sáng.
(Do giấy in và mực in khan hiếm nên khuôn khổ và màu sắc có nhiều sai biệt).
Tiền giấy 100 đồng
Năm phát hành: 1946.
Tên gọi: Con trâu xanh.
Mặt trước: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình công nhân và gia đình nông dân.
Mặt sau: Con trâu màu xanh và nông dân làm việc ngoài đồng.
Khuôn khổ: 199mm x 93mm.
Màu sắc: Xanh lá cây đậm và nâu.
Hoạ sĩ: Nguyễn Huyến vẽ trâu và nông dân; Lương Văn Tuất, Đào Văn Trung vẽ trang trí.
Tiền giấy 100 đồng
Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh có thay đổi, màu sắc trên mẫu tiền cũng thay đổi so với mẫu 100 đồng cùng tên trước đó
Lịch sử đồng tiền Việt (Phần 2)
May 14, 2007
Năm 1858, thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam nhưng mãi đến năm 1875, Ngân hàng Đông Dương mới được thành lập. Có lẽ đây là Ngân hàng hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Gần 10 năm sau, năm 1885, đồng bạc Đông Dương đầu tiên ra đời.
Đồng bạc Đông Dương phát hành ở Hải Phòng
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Pháp buộc phải ký một thỏa ước trong đó có ghi “Mỗi quốc gia trong ba nước Đông Dương đều có toàn quyền ấn định chế độ tiền tệ trên lãnh thổ mình”. Số phận của đồng bạc Đông Dương và một lô các loại tiền xu đúc từ năm 1923 kết thúc từ đây.
Đồng tiền 3 nước Việt Nam-Lào_Campuchia
Sau khi Cách Mạng Tháng Tám thành công, ngày 31.1.1946, Hồ Chủ Tịch đã ký sắc lệnh phát hành đồng tiền Cách mạng, thường gọi là “tiền tài chính”, vì lúc ấy chưa có tổ chức Ngân hàng. Việc phát hành tiền do Bộ tài chính đảm nhiệm, tất cả các loại giấy bạc đều in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên trong kháng chiến, người dân quen gọi là tiền Cụ Hồ. Tờ bạc 100 đồng đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa in hình con trâu xanh do hoạ sĩ Nguyễn Huyên vẽ mẫu. Ông Huyên kể: “Cùng vẽ với tôi có kiến trúc sư Lương Văn Tuất và một bạn nữa ở sở địa đồ cũ là Đào Văn Trung. Hai ông này chuyên vẽ điểm trang trí và kẻ chữ, tôi vẽ hình giữa, một mặt có hình con trâu cày tượng trưng cho nông nghiệp, mặt kia có người nông dân vác cuốc và thợ nề cầm tay tượng trưng cho sản xuất và xây dựng. Tờ bạc có ba mẫu xanh, vàng và nâu. Con trâu mầu xanh để đảm bảo cho sự hài hòa, xong cũng vì lúc bấy giờ mầu xanh là mầu dễ kiếm nhất”. Loại bạc này được lưu hành đến năm 1951, khi có sắc lệnh thành lập Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và đồng tiền Ngân hàng ra đời thay thế cho “tiền tài chính” cũ.
Đồng tiền con trâu xanh
Đến năm 1958, Việt Nam tiến hành đổi tiền một lần nữa để cải tiến cơ sở tăng sức mua của đồng tiền. Đồng bạc ấn hành năm 1958 được sử dụng tại miền Bắc đến hết năm 1978.
Đồng tiền miền Bắc năm 1958
Trong thời gian từ 1948 đến năm 1978, do hoàn cảnh đặc biệt, đồng tiền Nam Bộ cũng qua nhiều lần đổi thay. Từ 1948 đến 1955, Nam bộ sử dụng tiền riêng để chính quyền cách mạng dễ kiểm soát. Vì vậy, mới có những tờ bạc in thêm dòng chữ “Chỉ lưu hành trong tỉnh Long Châu Sa”,”Lưu hành trong hai tỉnh Trà Vinh, Bến Tre”,…
Tiền Trà Vinh và Vĩnh Long
Năm 1955, khi tập kết ra Bắc toàn bộ tiền Nam Bộ đã được thu hồi và từ đó đến khi giải phóng miền Nam 1975 nhân dân Nam Bộ đã sử dụng tiền của chế độ Sài Gòn. Sau năm 1975, Miền Nam sử dụng tiền giải phóng, để đến năm 1978 cả hai miền cùng đổi tiền, sử dụng bộ tiền mới và là bộ tiền đầu tiên lưu hành trong toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Tiền 50 đồng năm 1976
Từ đó đến nay, Việt Nam còn qua cuộc đổi tiền năm 1985 nữa và sử dụng cho đến tận bây giờ. Vậy là từ Cách Mạng Tháng Tám đến nay, đã có tới tám bộ giấy bạc lưu hành qua các thời kỳ, chưa kể đến tín phiếu Trung Bộ thời kỳ 1948-1955.
Đồng 100 năm 1985
Tuy nhiên, bộ giấy bạc gây nhiều thiện cảm hơn cả về chất lượng giấy, kỹ thuật in và hình vẽ là bộ giấy bạc năm 1958. Nó đã làm rung động trái tim biết bao cô bé, cậu bé và may mắn thay, có một thời được nhận tiền mừng tuổi ngày đầu xuân bằng đồng bạc ấy. Ông Bùi Trang Trước, họa sỹ vẽ ra đồng tiền ấy kể lại trong hồi ký của mình rằng ông đã hoàn thành toàn bộ bức phác thảo tiền năm 1958 chỉ trong vòng bẩy ngày đêm, vào mùa hè năm 1956. Sau đó ông sang nước bạn hơn một năm và hoàn thành nhiệm vụ trở về. Tuy nhiên, vấn đề bí mật công việc vẫn còn đeo đẳng ông, mãi tới sáng ngày 28.2.1959 khi Đài tiếng nói Việt Nam phát lệnh công bố đổi tiền chính phủ.Đồng tiền 1 hào năm 1958
Thời điểm phát hành của những đồng tiền hiện nay
October 28, 2007
Thời điểm phát hành có thể sau thời gian in trên mặt tờ tiền
- Tiền giấy
Giấy bạc 200 đồng. Ngày phát hành: 30/9/1987
Giấy bạc 500 đồng. Ngày phát hành: 15/8/1989
Giấy bạc 1.000 đồng. Ngày phát hành: 20/10/1989
Giấy bạc 2.000 đồng. Ngày phát hành: 20/10/1989
Giấy bạc 100 đồng. Ngày phát hành: 02/5/1992
Giấy bạc 5.000 đồng. Ngày phát hành: 15/01/1993
Giấy bạc 20.000 đồng (loại cũ in trên giấy cotton). Ngày phát hành: 02/3/1993
Giấy bạc 10.000 đồng (loại cũ in trên giấy cotton). Ngày phát hành: 15/10/1994
Giấy bạc 50.000 đồng (loại cũ in trên giấy cotton). Ngày phát hành: 15/10/1994
Giấy bạc 100.000 đồng (loại cũ in trên giấy cotton). Ngày phát hành: 01/9/2000
Giấy bạc 50.000 đồng (loại mới in trên polymer). Ngày phát hành: 17/12/2003
Giấy bạc 500.000 đồng. Ngày phát hành: 17/12/2003
Giấy bạc 100.000 đồng (loại mới in trên polymer). Ngày phát hành: 01/9/2004
Giấy bạc 20.000 đồng (loại mới in trên polymer). Ngày phát hành: 17/5/2006
Giấy bạc 10.000 đồng (loại mới in trên polymer). Ngày phát hành: 30/8/2006
Giấy bạc 200.000 đồng. Ngày phát hành: 30/8/2006
- Tiền kim loại
Đồng tiền 200đ. Ngày phát hành: 17/12/2003
Đồng tiền 1.000đ. Ngày phát hành: 17/12/2003
Đồng tiền 5.000đ. Ngày phát hành: 17/12/2003
Đồng tiền 500đ. Ngày phát hành: 01/4/2004
Đồng tiền 2.000đ. Ngày phát hành: 01/4/2004
Tìm hiểu về các đông tiền |
Tiền kim loại trên thế giới
October 7, 2007
Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả những nước có hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tiền kim loại vẫn được sử dụng phổ biến trong các giao dịch nhỏ bởi tiền kim loại mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan phát hành và người sử dụng tiền. Đối với cơ quan phát hành, tiền kim loại bền hơn nên việc sử dụng tiền kim loại sẽ tiết kiệm chi phí phát hành trong dài hạn. Đối với người sử dụng, tiền kim loại sạch hơn, không bị rách, nhàu nát, không hấp thụ tạp chất như tiền giấy và phù hợp với việc sử dụng các loại hình dịch vụ tự động hoá. Ngoài ra, tiền kim loại cũng là vật lưu niệm gần gũi đối với khách du lịch bởi đồng tiền thường mang một ý nghĩa nhất định về văn hoá, tập quán của nước phát hành. Tuy nhiên, tiền kim loại nặng hơn, khó đếm và dễ rơi hơn tiền giấy. Mặc dù vậy, trong xã hội hiện đại, không thể không có tiền kim loại khi các loại hình dịch vụ thương mại tự động hoá phát triển.
Giải mã “DG REG FD” trên đồng tiền xu Anh
February 23, 2008
Sau khi mầy mò trên mạng, chân lý thật đơn giản như sau:
DG REG FD là viết tắt của các chữ Latin “ELIZABETH II DEI GRATIA REGINA FIDEI DEFENSOR”, dịch ra tiếng Anh có nghĩa là “Elizabeth II, by the grace of God, Queen and Defender of the Faith”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Elizabeth II, mang ơn Chúa, Nữ hoàng và đấu tranh cho sự trung thực
Tham khảo thêm:
Tiền kim loại của Anh
Tiền kim loại do Xưởng đúc tiền Hoàng gia (Royal Mint) phát hành, bao gồm các mệnh giá: 1 xu, 2 xu, 5 xu, 10 xu, 20 xu, 50 xu, 1 bảng, và 2 bảng. Có cả đồng 5 bảng, nhưng ít được sử dụng.
Bộ tiền xu của Vương quốc Anh
Bộ tiền xu của Vương quốc Anh
Trên đồng 1 xu có hình một cổng thành.
Trên đồng 2 xu có hình biểu tượng của Huân tước xứ Wales.
Trên đồng 5 xu có hình hoa Thistle, quốc hoa của xứ Scotland.
Trên đồng 10 xu có hình một con sư tử, tượng trưng cho xứ England.
Đồng 20 xu có hình Tudor Rose.
Đồng 50 xu có hình Britannia, nữ thần tượng trưng cho đại đế quốc Anh và hình một con sư tử.
Đồng 1 bảng (hình trên) có biểu tượng của cây thánh giá Celtic xứ Northern Ireland.
Đồng 2 bảng có in câu nói của Isaac Newton “Standing on the Shoulders of Giants” (đứng trên vai những người khổng lồ).
Tiền xu Mỹ cổ
Kết quả khảo sát tiền kim loại ở nhiều nước, khu vực trên thế giới cho thấy có sự khác biệt đáng kể về đường kính, trọng lượng đồng tiền, tuỳ theo sở thích, tập quán sử dụng và điều kiện đặc thù của mỗi nước (bảng thông số kỹ thuật chính của đồng tiền kim loại một số nước minh hoạ). ở châu Âu (ngoài khu vực đồng Euro), đồng tiền nhỏ nhất có đường kính 14mm, đồng tiền lớn nhất là 31mm; đồng tiền nhẹ nhất có trọng lượng 0,55 gam, đồng tiền nặng nhất là 13,5 gam. ở châu á, đồng tiền nhỏ nhất có đường kính 15mm, đồng tiền lớn nhất là 32 mm; đồng tiền nhẹ nhất có trọng lượng 0,45 gam, đồng tiền nặng nhất là 15,55 gam (đây cũng là đồng tiền kim loại nặng nhất trên thế giới). Sự khác biệt này về đường kính, trọng lượng đồng tiền chủ yếu xuất phát từ yêu cầu phân biệt giữa các loại mệnh giá trong hệ thống tiền kim loại của một nước và phân biệt giữa tiền kim loại nước này với tiền kim loại nước khác. Vì vậy, những nước đi sau phải lựa chọn sao cho tiền kim loại của mình dễ phân biệt với tiền kim loại của những nước láng giềng để hạn chế việc sử dụng những đồng tiền này ở các máy bán hàng tự động của nước khác (hoặc ngược lại).
Xu 1 Euro
Theo giới chuyên môn, đường kính tối ưu của bộ tiền kim loại trong khoảng từ 15mm đến 30mm để thuận tiện trong sử dụng, đảm bảo kiểm soát kích thước, trọng lượng tiền kim loại ở mức hợp lý và tiết kiệm chi phí đúc, dập. Đồng tiền kim loại mệnh giá lớn nhất nên có đường kính nhỏ hơn 30mm và trọng lượng dưới 10 gam để dự phòng khi cần phát hành đồng tiền kim loại có mệnh giá lớn hơn trong tương lai. Nhìn bề ngoài, đồng tiền kim loại có mệnh giá lớn hơn thì sẽ có kích thước, trọng lượng lớn hơn nhưng mối liên hệ này trên thực tế không được khẳng định rõ ở hầu hết các bộ tiền kim loại của nhiều nước bởi kích thước, trọng lượng đồng tiền còn phụ thuộc vào cách phân nhóm mệnh giá trong mỗi bộ tiền kim loại. Tất nhiên, trọng lượng của đồng tiền kim loại còn phụ thuộc vào độ dày và vật liệu đúc tiền. Kinh nghiệm cho thấy, đồng tiền kim loại cần có độ dày lớn hơn 1 mm để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình cán, đúc phôi, và dập tiền, đồng thời cũng tạo sự thuận lợi cho việc sử dụng tiền kim loại.
Xu 2 Euro
Đồng Euro tiền kim loại phát hành năm 2002 là một ví dụ điển hình bởi đó là kết quả của quá trình chuẩn bị nhiều năm của Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đường kính của đồng tiền nhỏ nhất (1 Cent) là 16,25mm, đường kính của đồng tiền lớn nhất (2 Euro) là 25,75mm. Khi chuyển từ nhóm mệnh giá nhỏ (1, 2 và 5 Cent) sang nhóm mệnh giá 10, 20 và 50 Cent, màu sắc chuyển từ màu đỏ sang màu vàng, và đồng 10 Cent có đường kính (19,75mm) nhỏ hơn đồng 5 Cent (21,25mm) nhưng có trọng lượng (5,7 gam) lớn hơn đồng 5 Cent (3,9 gam). ở nhóm mệnh giá lớn (1 và 2 Euro), đồng tiền lưỡng kim được sử dụng, cả đường kính và trọng lượng đồng 1 Euro (23,25 mm, 7,5 gam) đều nhỏ hơn đồng 50 Cent (24,25 mm, 7,8 gam). Đối với tiền kim loại Việt Nam, hiện nay chúng ta đã phát hành 5 mệnh giá (200đ, 500đ, 1.000đ, 2.000đ và 5.000đ), có đường kính từ 19mm đến 25,5mm, trọng lượng từ 3,2g đến 7,7 g, độ dày từ 1,45mm đến 2,2mm, về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế. Đáng lưu ý là loại 200đ có màu trắng, khi chuyển sang loại 1.000đ có màu vàng, đường kính của loại 1.000đ đã được thiết kế nhỏ hơn so với loại 200đ để tiết kiệm chi phí vật liệu, đảm bảo kiểm soát kích thước tiền kim loại trong phạm vi hợp lý.
Xu 5 Cent (Euro)
Về các loại vật liệu đúc tiền, có thể phân chia thành 3 nhóm chính: hợp kim, thép mạ và kim loại thuần tuý (trong đó, kim loại thuần tuý ngày nay rất ít được sử dụng để đúc tiền). Hợp kim có độ bền màu, độ chống mài mòn và chống oxy hoá cao hơn các loại vật liệu đúc tiền khác nhưng giá thành sản xuất cũng khá cao. Vì vậy, hợp kim thường được sử dụng cho nhóm có mệnh giá cao trong bộ tiền kim loại của các nước, như 1 Euro, 2 Euro, 2 Đôla Canađa, 1 Đôla Singapore… hay như loại 5.000đ phát hành tháng 12/2003. Thép mạ (mạ đồng hoặc mạ ni-ken) có độ bền kém hơn so với hợp kim nhưng có giá thành rẻ hơn và đáp ứng được những yêu cầu về đúc, dập cũng như các yêu cầu khác về chất lượng đồng tiền kim loại trong lưu thông. Khu vực đồng Euro, ba loại mệnh giá 1, 2 và 5 Cent đều được sản xuất từ thép mạ đồng đỏ, đây là loại vật liệu có giá thành rẻ và có độ bền thấp hơn các loại thép mạ khác. Tiền kim loại 1.000đ và 2.000đ sản xuất bằng thép mạ đồng thau (bền hơn thép mạ đồng đỏ), cũng là lựa chọn phù hợp
với giá trị mệnh giá hai đồng tiền này và khả năng tài chính của chúng ta. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là do tính chất của vật liệu, tiền kim loại bằng thép mạ đồng bị xỉn màu (do bị oxy hoá trong môi trường tự nhiên) nhanh hơn tiền kim loại bằng hợp kim ngay cả khi mới phát hành, và tiền kim loại nói chung nhanh bị hư hỏng hơn nếu tiếp xúc với các chất ăn mòn kim loại như axít, muối… Thực tế, trong môi trường khí hậu ôn đới, có độ ẩm tương đối thấp như ở Châu Âu thì đồng 1, 2 và 5 Cent vẫn nhanh bị xỉn màu hơn các loại mệnh giá còn lại. Tiền kim loại 1.000 đồng, 2.000 đồng bằng thép mạ đồng của Việt Nam không phải là ngoại lệ, nó không thể bền như loại 5.000 đồng bằng hợp kim CuAl6Ni2.
Xu 1o Bath Thái
Trọng lượng tiền kim loại phụ thuộc vào vật liệu đúc tiền được sử dụng. Những nước khác nhau có thể lựa chọn loại vật liệu đúc tiền khác nhau tuỳ theo tập quán, khả năng tài chính nhưng lựa chọn của mỗi nước luôn bị giới hạn bởi mệnh giá và các yếu tố chi phí đầu vào của quá trình đúc, dập tiền kim loại. Nguyên nhân là do tiền kim loại thường có mệnh giá nhỏ nên cần thiết phải đảm bảo giá vật liệu đúc tiền phù hợp với mệnh giá, nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế và tính khả thi của việc sử dụng tiền kim loại trong thanh toán, trao đổi. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, cơ quan phát hành có xu hướng lựa chọn loại vật liệu đúc tiền có giá cả hợp lý, dễ đúc, dập và có độ bền phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường lưu hành tiền kim loại ở mỗi nước.
Xu 5 Dollar Singapore
Thông số kỹ thuật chính của đồng tiền một số nước
Lịch sử ra đời tiền giấy (P2)
June 28, 2007
Tiền giấy hiện đại ra đời ở Châu Âu
Những giấy bạc đầu tiên của châu Âu được ra đời vào năm 1483, nó được phát hành trong bối cảnh người Tây Ban Nha bị bao vây bởi những người Moors. Ngoài ra cũng có giả thuyết cho là việc xuất hiện những tờ tiền làm bằng giấy bồi gồm nhiều dạng trị giá khác nhau được sản xuất vào năm 1574 bởi những công dân bị vây hãm thuộc thành Leyden. Cả thành phố Leyden và Middelburg lúc bấy giờ đang bị người Tây Ban Nha bao vây nên thiếu bạc để đúc những đồng tiền kim loại nên họ buộc phải dùng bìa các quyển sổ của đạo Công giáo để làm vật liệu cho loại tiền giấy bồi. Tuy loại tiền giấy bồi được mô tả là loại tiền giấy lâu đời nhất của châu Âu còn giữ được, nhưng mặt khác, chúng không phải là những tờ giấy bạc thật
Anh
Cùng vào thời gian đó tại Anh, người ta cũng được biết đến những tờ giấy bạc Goldsmith. Ngay từ thời xa xưa đó đã có hình thức kí gửi tiền. Đối với những khoản tiền gửi có lãi – thời hạn rút tiền được ấn định (có kỳ hạn). Cùng những loại kí gửi không có lãi thì được hoàn trả lại theo yêu cầu (không kì hạn). Những nhà ngân hàng phát hành ra những chi phiếu cho số tiền gửi không cần đề tên… nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc chi trả số tiền kí gửi. Những chi phiếu này đã được phát hành bằng chỉ số giá trị nhỏ và tròn số, những tờ “giấy bạc” này được xem như là những tờ giấy bạc tiên phong của ngành ngân hàng.
Vào năm 1694, Ngân hàng Anh quốc được thành lập và những tờ giấy bạc đầu tiên được phát hành. Cùng lúc các đạo luật của Quốc hội được ban hành để củng cố vị trí đặc biệt của ngân hàng và các thương nhân cũng bắt đầu nhận thức được sự tài trợ của ngân hàng trong giai đoạn kinh tế khủng khoảng. Chính vì thế mà Ngân hàng Anh quốc đã thành công trong việc xác lập các nền tảng vững chắc cho mình lúc bấy giờ.
Pháp
Ở Pháp, tình trạng tài chính đang kiệt quệ, chính lí do này đã thúc đẩy vua Louis XIX áp dụng chính sách cải cách tiền kim loại đang được lưu hành. Vào năm 1703, ông ta đã chỉ thị thu hồi các đồng tiền kim khí, đóng dấu đè và tái phát hành với chỉ số giá trị cao hơn. Các biên nhận thu hồi tiền kim khí còn được gọi là coin scrip, như đã thông báo tính hợp pháp của nó. Song biện pháp này không cứu vãn được tình trạng tài chính của nước Pháp. Nợ nần chồng chất của chính phủ kéo dài dai dẳng kể cả sau khi nhà vua mất. Chính vì thế, người ta không thấy làm ngạc nhiên trước tư tưởng của John Law một người Scotland về việc phục hồi ngân sách của chính phủ, đã được hồ hởi công nhận. Law ước mong phát hành gia tăng giấy bạc và đề xướng chính sách tín dụng. Vào năm 1716, ông ta được chính phủ cho phép thiết lập Ngân hàng trung ương nhằm phát hành các đồng tiền “ECUS” dưới dạng giấy bạc.
Đến năm 1718, chính phủ tiếp quản ngân hàng. Các tờ giấy bạc được phát hành sau này nhằm trả cho các công ty “Livres Tournois” và các cổ phần hai công ty thuộc địa là “Compagnie des Indes” và “Compagnie d’Occident”. Sau đó, Law đã tiến hành thực hiện một dự án tài chính và chứng khoán nguy hiểm mà hậu quả dẫn đến là một tai hoạ nghiêm trọng vào năm 1720. Ngân hàng bị đóng cửa, Law đã phải rời nước Pháp và bỏ lại các tài sản của ông ta.
Đó cũng không phải là kinh nghiệm duy nhất của nước Pháp về tiền giấy ở thế kỉ XVIII. Nền tài chính nước Pháp còn gặp phải nhiều điều bất hạnh, suy thoái kéo dài qua thời kỳ cách mạng tư sản. Việc sụt giảm các khoản lợi tức đã khiến chính phủ phải đương đầu với những yêu cầu gia tăng về các khoản chi phí phát sinh. Trong khuôn khổ dự án do Tallyran đưa ra, nhằm bảo đảm tính an toàn cho tín phiếu – mà bảo chứng của chúng là những tài sản của Giáo hội bị tịch thu. Những tờ giấy bạc của đợt phát hành đầu tiên có lãi trong khi những đợt phát hành sau đó không có. Mặt khác, nhằm làm giảm sức khan hiếm tiền lẻ, nhiều thành phố, thị trấn đã cho phát hành “loại giấy bạc tín nhiệm” (billets de confiance, tín tệ) với hàng nghìn mẫu trong lưu thông. Đối với chính phủ cũng vậy, không còn in tín phiếu với chỉ số giá trị nhỏ. Cùng một lúc phát hành tín phiếu trị giá cao đồng thời liên tục gia tăng lượng phát hành. Dưới thời Cộng hoà Pháp, các tín phiếu Hoàng gia đến lượt chúng bị thay thế. Những tín phiếu này vào năm 1795 được thay thế bằng tín phiếu đồng quan (Franc) khi hệ thống thập phân xuất hiện.
Ngày 1 tháng 1 năm 1796 đã có hơn 7 triệu Livres dưới dạng tín phiếu được đưa vào lưu thông. Trị giá của chúng chỉ đạt 0,5 của giá trị 1 xu.
Để đạt mục đích khôi phục lại lòng tin vào bản vị tiền tệ – Chính phủ Cộng hoà Pháp quyết định huỷ bỏ tín phiếu, thay vào đó phát hành một dạng tiền giấy mới “Mandats Territoriaux” phó phiếu và chuyển đổi trị giá 30 livres ăn 1 đồng. Và như vậy, “Promesses’ des mandats Territoraux” được khởi đầu phát hành thay cho tín phiếu. Các Mandats thực tế được phát hành sau đó, ở một số lượng nhỏ và kể cả loại tiền giấy mới cũng không thể hãm được sự lạm phát. Dù rằng chỉ trong vài tuần đầu phát hành, giá trị của Mandats đã rớt giá xuống còn 95% trên giá trị mặt. Trước tháng 2 năm 1796, toàn bộ tiền giấy được tuyên báo là không còn giá trị.
Sau sự việc biến mất tín phiếu và Mandats, Ngân hàng Pháp quốc được thành lập năm 1800 – dưới sự ảnh hưởng của Napoleon, thoát thai từ trong những ngân hàng “Caisses des comptes courrants” (Ngân hàng tiền mặt).
Posted in Tìm hiểu về các đông tiền | 1 Comment »
Lịch sử ra đời tiền giấy (P1)
June 19, 2007
Các hình thức sơ khai
Ở Mesopotamia cổ đại người ta đã sử dụng draft (một loại giấy tờ bảo đảm cho thóc lúa dự trữ trong kho) trong thanh toán như tiền. Ở Hy Lạp, đơn vị tiền giấy cổ xưa được sử dụng là drachma (xuất phát từ drama = 1kg thóc). Ở Nhật Bản thời phong kiến cổ, đồng tiền giấy lấy cơ sở là lúa gạo của 1 năm bằng 1 koku. Và Ai Cập cũng đã sử dụng tiền giấy vào thế kỷ 1 trước công nguyên.
Còn tiền giấy Trung Quốc được sử dụng từ thế kỷ VII dưới triều đại nhà Đường. Khi ấy hệ thống tiền tệ chính của Trung Quốc vẫn là tiền xu tròn lỗ vuông và tiền vàng, bạc. Xuất phát từ hoạt động của các hiệu cầm đồ, kim hoàn nhận giữ tiền hộ khác hàng, người ta nghĩ ra cách thanh toán bằng những tờ giấy chứng nhận gửi tiền để dễ vận chuyển và an toàn trong sử dụng. Tiền ngày ấy được gọi là “phi tệ” vì nó nhẹ. Đến thế kỷ X, tiền giấy Trung Quốc đã được sử dụng rất rộng rãi trên địa bàn rộng lớn và đã có một hệ thống thanh toán ngân hàng khá hoàn chỉnh.
Tiền giấy chính thức ở Trung Quốc
Năm 1023, triều đình Bắc Tống đã chiếm lấy quyền phát hành tiền giấy, lập Giao Tử Vụ tại Ích Châu, đến năm 1024 phát hành “Quan Giao Tử” từ 1 đến 10 quan. Năm 1033 Giao Tử cải lại làm hai loại: 5 quan và 10 quan. Năm 1068, Giao Tử lại cải thành hai loại: 1 quan và 500 đồng. Rồi ngày càng phát triển rộng ra. Năm 1069, lập Giao Tử vụ tại Lộ Châu, phát hành Giao Tử tại lộ Hà Đông. Năm 1071, phát hành Giao tử tại Thiểm Tây. Rồi Giao tử cải thành “Tiền dẫn”, thành “Hội tử”, thành “Giao sao”….
Khi ấy người châu Âu hầu như không biết gì về Trung Quốc. Một sự kiện rất nổi tiếng và được coi là đem lại những hiểu biết đầu tiên của châu Âu về Trung Quốc là cuộc phiêu lưu của một người Italia tên là Marco Polo đến Trung Quốc vào thế kỷ XIII. Cuộc phiêu lưu này được chính Marco Polo kể lại bằng một cuốn hồi ký làm xôn xao dư luận châu Âu thời đó vì vô vàn những điều mới lạ. Trong đó, ông có trình bày về cách sản xuất và lưu hành tiền giấy. Khi đó, tiền giấy là một điều hoàn toàn mới lạ ở châu Âu, nhiều người tỏ ra không tin và nghi ngờ giá trị của một loại tiền được làm bằng giấy.
Tuy nhiên tiền giấy này thực chất mới chỉ là các “ngân phiếu”, nó không thay thế hoàn toàn cho tiền kim loại trong đời sống thường nhật. Nó cũng chỉ lưu hành trong một tầng lớp thương nhân và quý tộc giàu có bởi mệnh giá của nó rất lớn. Để trở thành một đồng tiền hoàn chỉnh như ngày nay thì còn có một khoảng cách rất dài. Tiếc rằng tiền giấy Trung Quốc đã không có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển do những hạn chế về chính trị. Năm 1455, triều đại nhà Minh đã ban hành nhiều biện pháp hạn chế tiền giấy đồng thời đóng cửa nhiều trung tâm tài chính lúc đó. Từ đó tiền giấy Trung Quốc hầu như không được nhắc đến nữa.
(Nguồn: Sưu tầm)